8h tối 1/1/2007, tất cả ghế ngồi của Hội trường lớn trong Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) đều kín chỗ. Buổi truyền hình trực tiếp lễ trao giải Trí tuệ Việt Nam (TTVN) lần thứ 7 diễn ra với kịch bản khá hấp dẫn bằng sự kết hợp của âm nhạc, hình ảnh, vũ đạo dựa trên triết lý ngũ hành gắn với tinh thần tuổi trẻ đã làm nên một đêm hội đầy màu sắc và chiều sâu văn hoá. Các hạng mục giải thưởng lần lượt được giới thiệu bằng 5 màn biểu diễn nghệ thuật bao hàm ý nghĩa nhân sinh như: khởi nguồn, sáng tạo, khám phá... mang tới cho khán giả nhiều cảm xúc ngay từ khi mở màn cho đến giây phút đăng quang của Vương Bá Quý. Nam sinh viên quê Hải Phòng là người đầu tiên được xướng danh nhận giải thưởng của nhà tài trợ và cũng là người cuối cùng bước lên nhận giải thưởng danh giá nhất cuộc thi.
"Tôi chưa từng nghĩ sẽ có lúc được đứng giữa Trung tâm hội nghị quốc gia và ở vị trí cao nhất của TTVN. Đây là phần thưởng cho những nỗ lực của tôi trong suốt một năm qua và tôi dành nó cho quê hương của mình", Vương Bá Quý chia sẻ. "Sản phẩm của tôi còn đôi chỗ chưa hoàn thiện. Tôi mong nhận được nhiều sự ủng hộ để có thể nâng cấp chương trình và tôi không có ý định thương mại hóa nó".
Quán quân sinh năm 1983 đã nhận học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) để làm nghiên cứu sinh ở Mỹ trong năm 2007. Với giải nhất là 70 triệu đồng và một máy tính xách tay hiệu FPT Elead cùng phần thưởng nhà tài trợ trị giá 5 triệu đồng, Vương Bá Quý đã tặng lại 10 triệu đồng cho các quỹ từ thiện.
Hai giải nhì, mỗi giải trị giá 40 triệu đồng và một bộ PC FPT Elead, được trao cho nhóm Mắt Thần (Trung tâm công nghệ Mô phỏng - Học viện Kỹ thuật Quân sự) với chương trình Hệ thống ghi vé xe tự động và quản lý phương tiện sử dụng công nghệ xử lý và nhận dạng ảnh và nhóm Bạn Đồng Hành (Hà Nội) với Bộ thiết bị sạc điện và sao lưu dữ liệu cho điện thoại di động.
Nhóm Mắt thần giành giải nhì. Ảnh: Hoàng Hà.
Đồng giải ba là các sản phẩm Bản đồ điện tử trên điện thoại di động của tác giả Nguyễn Văn Minh (TP HCM) và Viennews của Hà Duyên Hoá (Hà Nội), được trao 25 triệu đồng và bộ PC hiệu FPT Elead.
Sản phẩm Cổng thông tin Không gian Việt theo mô hình web 2.0 Trần Hùng Cường (Nam Định) và Lương Tuấn Vũ (Hà Nội) nhận giải "Vườn ươm" trị giá 75 triệu đồng.
Ngoài ra, ban tổ chức còn trao các giải khuyến khích cho Từ điển tổng hợp của Ngô Huy Biên (Vũng Tàu), Hướng dẫn viên du lịch cho máy tính bỏ túi của nhóm Bản Đồ và Phần mềm tính cước điện thoại hợp nhất của nhóm Hợp Nhất.
Ông Hoàng Tô, thành viên Ban giám khảo, cho biết, cuộc thi năm nay có nhiều sản phẩm cùng loại, cùng tính năng và những người "cầm cân nảy mực" đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Trong quá trình xét giải, Hội đồng có nhiều tranh luận và phải sử dụng đến biện pháp biểu quyết để quyết định sản phẩm xứng đáng. Bài thi được chọn không hẳn đã nổi trội hơn những chương trình khác nhưng có sự hài hòa giữa các tiêu chí đạt được.
"Tôi muốn nói với tất cả các thí sinh đã và sẽ tham gia cuộc thi TTVN. Các bạn hãy dự thi với tâm thế bình thản. Bởi dù là người được tôn vinh thì cũng cần phải phấn đấu rất nhiều để hoàn thiện. Còn những ai chưa đoạt giải cũng đừng buồn lòng mà hãy vững chí bền gan theo đuổi đến cùng mục đích của mình", ông Hoàng Tô nói.
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ FPT - đơn vị đồng tổ chức cuộc thi Trí tuệ VN, nhận định: "Sau bảy năm tổ chức, các sản phẩm dự thi TTVN đã có những bước tiến đáng kể với tính hoàn thiện ngày càng cao. Bên cạnh đó là tính chất cộng đồng và tính thời sự như những ứng dụng trên nền web hoặc chương trình ứng dụng cho các thiết bị đầu cuối".
Phương Thúy - Nguyễn Hằng
sản phẩm, hệ thống, tự động, phương tiện, sử dụng, công nghệ, vinh dự, giải thưởng, sáng tạo, trí tuệ, tác giả, ứng dụng, xã hội, giải quyết, vấn đề, quản lý, giao thông, góp phần, bộ mặt, văn minh, đô thị
Ý kiến bạn đọc